Theo UBND tỉnh, từ nay đến năm 2030, trong cơ cấu sử dụng đất, TP.Biên Hòa sẽ dành 95,6% diện tích để phát triển đô thị, tiếp đến H.Trảng Bom hơn 53%, TP.Long Khánh hơn 46% và H.Nhơn Trạch khoảng 44%.
* Chia thành các vùng để phát triển
Trong những năm tới, 4 địa phương ưu tiên nhiều đất đai để xây dựng đô thị đều phân vùng nhằm huy động các nguồn lực để đầu tư những công trình, dự án về hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, việc phân chia thành các vùng cũng là để khai thác được các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của từng khu vực, phù hợp với quy hoạch về đất đai, xây dựng. Đây cũng là những khu vực sẽ có nhiều khu đất lợi thế đưa ra đấu giá để tăng nguồn thu cho tỉnh có vốn đầu tư các công trình giao thông quan trọng trên địa bàn.
TP.Biên Hòa căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050 chia thành 4 vùng để phát triển. Trong đó gồm có vùng phát triển đô thị có diện tích 14 ngàn ha; vùng phát triển công nghiệp gần 2 ngàn ha; vùng quân sự hơn 4 ngàn ha; vùng xây dựng cảnh quan và không gian mở khoảng 6,4 ngàn ha.
Tại TP.Long Khánh quy hoạch sử dụng đất căn cứ vào quy hoạch chung xây dựng thành phố để hình thành 9 vùng đề xây dựng thành khu trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, thương mại, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp. Trong đó, vùng đô thị có diện tích 8,9 ngàn ha.
Kế hoạch của H.Trảng Bom là sẽ trở thành thị xã nên trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng huyện đến năm 2030, phân chia thành 2 vùng để phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, một vùng phát triển công nghiệp – đô thị – dịch vụ có tổng diện tích 14,8 ngàn ha và vùng nông – lâm – ngư nghiệp diện tích 17,9 ngàn ha. Tại mỗi vùng sẽ chia thành 3 tiểu vùng nhỏ để khai thác được tiềm năng và thuận lợi hơn trong mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào huyện.
H.Nhơn Trạch hướng tới sẽ là thành phố đô thị loại II trong tương lai nên sẽ hình thành 8 phân khu với 4 khu vực phát triển đô thị, 3 khu chuyên về công nghiệp, cảng, dịch vụ hậu cần cảng và 1 khu bảo tồn sinh thái rừng ngập mặn sẽ khai thác thế mạnh du lịch sinh thái rừng. Dự kiến đến năm 2030, đô thị Nhơn Trạch có diện tích gần 16,6 ngàn ha.
* Tạo đột phá cho các đô thị
Đồng Nai xác định giải pháp tạo ra đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh là đầu tư các công trình hạ tầng giao thông và kết nối các tuyến đường tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư vào các khu đô thị. Tỉnh dành quỹ đất lên đến hàng ngàn ha cho các khu đô thị để xây dựng các tuyến đường, vì nơi nào giao thông thuận lợi sẽ thu hút đông người dân đến sinh sống và kéo theo thương mại dịch vụ cũng phát triển.
Chủ tịch UBND H.Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu cho hay: “H.Trảng Bom đồng nhất quy hoạch về đất đai, xây dựng và các lĩnh vực khác để mời gọi các nguồn lực đầu tư vào địa bàn. UBND tỉnh đã phê duyệt cho huyện gần 17,4 ngàn ha đất để phát triển đô thị đến năm 2030. Do đó, trong những năm tới, huyện ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật, thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế, công trình công cộng để nâng tầm đô thị và trở thành thị xã vào năm 2025 và tiếp đến là lên thành phố”.
Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, các đô thị của Đồng Nai hiện nay chưa khai thác được nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế – xã hội. Vì thế, rất cần có quy hoạch chung, chi tiết về đất đai, xây dựng từng khu phải hài hòa giữa cái riêng và tổng thể, giữ được nét văn hóa truyền thống nhưng cũng vẫn đảm bảo năng động, hiện đại. Muốn thực hiện được việc này, các khu đô thị phải có quy hoạch phù hợp, tầm nhìn xa và mời gọi được những nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm để triển khai các dự án tại từng đô thị.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Đồng Nai sẽ đồng bộ các quy hoạch về đất đai, xây dựng và các quy hoạch khác để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh có thể triển khai nhanh các dự án trên từng lĩnh vực. Tỉnh ưu tiên nguồn vốn để thực hiện dự án hạ tầng giao thông để kết nối các tuyến đường với sân bay Long Thành, cảng, nhằm tạo đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội”.